Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến giữa tháng 3/2018, có 27 đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép tại Việt Nam. Đa phần trong đó, tức hơn 20 đơn vị là ví điện tử. Còn lại là các dịch vụ khác như chuyển mạch tài tính, bù trừ điện tử, cổng thanh toán...
Có nhiều lý do để các ngân hàng, công ty công nghệ lẫn Fintech cùng lao vào làm ví điện tử. Cụ thể như xu hướng của thế giới về ngân hàng số, khởi nghiệp tài chính. Hay như Việt Nam là thị trường đông dân, giới trẻ nhiều, thích công nghệ, tỷ lệ dùng smartphone cao trong khi tỷ lệ chưa có tài khoản ngân hàng cũng cao.
“Người tiêu dùng ngày càng có phong cách sống hiện đại với các dịch vụ kỹ thuật số. Ngoài những mạng xã hội miễn phí, họ đã bắt đầu ưa thích sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số cho nhu cầu hàng ngày của cuộc sống, từ đi xe tới mua đồ ăn, cùng với việc thanh toán phi tiền mặt an toàn và thuận tiện", ông Trần Thanh Nam - Sáng lập viên kiêm Giám đốc Moca nhận định.
Giao diện mua bảo hiểm trên một ví điện tử ở Việt Nam.
Cùng với Moca, một vài cái tên ví điện tử khác ở Việt Nam tương đối phổ biến như MoMo, Bankplus, Ví Việt, VTC Pay, WePay, Mobivi, Vimo... Tính đến tháng 12/2017, MoMo có hơn 5 triệu người dùng và kỳ vọng tăng gấp 2-3 lần trong năm 2018. Ví Việt thì có hơn 2 triệu người dùng và đặt kế hoạch 3,5 triệu người trong năm 2018.
Cũng thời điểm cuối năm 2017, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ thanh toán cho biết chỉ có khoảng 5 đơn vị trung gian thanh toán có lãi từ các giao dịch. Phần còn lại của thị trường được đánh giá là "không ổn định". Rõ ràng, dù thấy được rất tiềm năng nhưng việc lôi kéo người dùng ở Việt Nam không dễ.
"Ví điện tử cần thêm thời gian để phát triển tương xứng nhu cầu khách hàng và tiềm năng thị trường. Bên cạnh đó, thói quen dùng tiền mặt vẫn cần thời gian thay đổi. Khách hàng cần từng bước trải nghiệm được sự an toàn, tiện ích để tin tưởng sử dụng", ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank nhận định. Đây là ngân hàng sở hữu Ví Việt.
Giới trong ngành cho rằng, mỗi ví điện tử có chiến lược phát triển riêng và có phân nhóm khách hàng mục tiêu. Tuy nhiên, điểm chung phải thừa nhận là đến giờ, nhiều ví điện tử chưa gắn kết với hệ sinh thái, chưa có được mạng lưới điểm chấp thuận thanh toán rộng khắp. Do vậy, mấu chốt của "cuộc chiến sinh tồn" trong việc lôi kéo người dùng hiện tại chính là "hệ sinh thái".
Năm 2017, MoMo có một năm tích cực phát triển người dùng bằng hàng loạt chiết khấu, khuyến mại cho người dùng, quảng cáo đa kênh. Cuối năm, ví điện tử này quyết định tăng cường sức mạnh hệ sinh thái bằng cú bắt tay hợp tác với Uber Việt Nam. Tuy nhiên, điều không ngờ là Uber rút khỏi Đông Nam Á chỉ 3 tháng sau đó.
Zalo Pay dù ra đời khá muộn nhưng đã tăng tốc vươn lên vào thời điểm đầu 2018 với dấu ấn đầu tiên là chiến dịch lì xì qua ví điện tử dịp Tết, vốn là ý tưởng khá thành công ở Trung Quốc của WeChat và AliPay. Ví điện tử này cũng có sẵn là hệ sinh thái người dùng tiềm năng đông đảo từ ứng dụng nhắn tin Zalo.
Ông Trần Thanh Nam - Sáng lập viên và Giám đốc Moca (bên trái) và ông Nguyễn Tuấn Anh - Tổng giám đốc Grab Financial Group Việt Nam (bên phải).
Gần nhất là cú bắt tay cộng hưởng để tạo ra hệ sinh thái thanh toán di động "đáng gờm"của Moca và Grab. Cả hai đều có tham vọng phát triển ví điện tử. Do vậy, chiến lược "muốn đi xa hãy đi cùng nhau" là lựa chọn hợp lý.
Cụ thể, các đơn vị chấp nhận thanh toán qua Moca sẽ được hưởng lợi nhờ vào số lượng lớn người dùng của ứng dụng Grab, bao gồm hàng triệu đối tác tài xế và hành khách trên khắp Việt Nam.
Trong khi đó, người dùng Grab sẽ sớm có thể sử dụng đầy đủ các dịch vụ thanh toán do Moca phát triển, bao gồm thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại cũng như thanh toán tại các cửa hàng bán lẻ, bao gồm chuỗi McDonald’s và 7-Eleven.
Sự quen thuộc của MoMo, vươn lên của Zalo Pay hay "cặp đôi thế lực" Moca-Grab không những gây sức ép lên hàng chục ví điện tử khác mà còn lên các dịch vụ thanh toán di động truyền thống của ngân hàng.
Trong động thái mới nhất, TPBank cập nhật thêm dịch vụ hỗ trợ mua vé máy bay ngay trên ứng dụng di động của ngân hàng. Hay như cách đây chưa lâu, để người dùng không cảm thấy khoảng cách về tiện lợi và dễ dàng khi mở một tài khoản, UOB Việt Nam cho phép mở tài khoản cá nhân ngay trên ứng dụng di động trong 10 phút, tiết kiệm 80% thời gian so với cách cũ.
“Tại các thành phố lớn như TP HCM, hơn bốn trên năm người sử dụng smartphone để thực hiện các công việc hằng ngày nhanh chóng và tiện lợi hơn. Chúng tôi luôn muốn khai thác và tận dụng sự tân tiến của công nghệ để giúp cho các dịch vụ ngân hàng trở nên đơn giản hơn, an toàn hơn và thông minh hơn cho khách hàng, ngay từ những lần giao dịch đầu tiên", ông Harry Loh - Giám đốc Điều hành UOB Việt Nam nói.
(Nguồn VNExpress.net)